Saturday, May 18, 2019

Nói về Cù lao Bến Đình

Nét đẹp trong nhịp sống thường nhật ở phố biển Vũng Tàu hội tụ từ nhiều yếu tố đặc trưng khác nhau, tạo nên một văn hóa bản địa có nhiều nét đặc sắc rất riêng. Trong đó yếu tố văn hóa biển là một phần quan trọng không thể tách rời đối với mảnh đất và người dân địa phương nơi đây. Đặt chân đến Vũng Tàu, có dịp khám phá, trải nghiệm và hòa mình với cuộc sống phố biển, bạn sẽ cảm thấy yêu mến nơi này biết bao! Có lẽ trong khoảnh khắc xiêu lòng, bạn sẽ chẳng muốn nói lời tạm biệt mà sẽ muốn ở hoài nơi đây!
Ở Bài viết này tôi xin giới thiệu đến các bạn đó là nét đẹp Cù lao Bến Đình, thành phố Vũng Tàu.
Cù lao Bến Đình thuộc địa phận phường 5, phường Thắng Nhì và phường 9 (TP Vũng Tàu), là khu cù lao đầy sình lầy, cửa Vàm kênh hướng ra vịnh Sao Mai (vịnh Gành Rái).
Vịnh Gành Rái có vai trò là cửa ngõ để luồng tàu đi vào các cảng ở TP.HCM, các cảng trên sông Thị Vải, sông Đồng Nai, sông Dinh… Mọi tàu cá ngoài biển trở về Vũng Tàu đều phải đi qua vịnh Gành Rái vào kênh Bến Đình và cập các cầu cảng nhỏ trên kênh Bến Đình.
Vịnh Gành Rái là vụng nước lợ nơi mấy con sông như sông Ngã Bảy (Lòng Tàu), sông Đồng Tranhsông Thị Vải và sông Dinh từ phía bắc đổ vào vũng trũng; phía đông là bán đảo Vũng Tàu với mũi Nghinh phong; phía tây là doi đất Cần Thạnh(Cần Giờ) với mũi Đồng Tranh, ôm lấy vịnh ở ba mặt. Mặt thông ra biển là cửa Cần Giờ, tức cửa biển chính lên Cảng Sài Gòn.
Hai ngọn núi Lớn và núi Nhỏ Vũng Tàu còn có tên là núi Gành Rái vì loài rái cá hay tụ tập ở đó. Vịnh Gành Rái có lẽ cũng lấy tên từ đó vì nằm lui vào phía trong cửa biển khi đã đi qua hai ngọn núi đó từ ngoài khơi ngược dòng nước lên Sài gòn.
Đáy vụng tương đối nông nên tàu lớn không dễ ra vào được. Để cho thương thuyền lớn lên được Sài Gòn trên luồng hàng hải Sài Gòn - Vũng Tàu, lòng vũng được nạo vét để giữ tầm sâu 8,5 mét trở lên. Luồng hàng hải qua vịnh Gành Rái rộng 400 mét, có cắm phao để thuyền bè nhận diện khi lưu thông.

Ngoài địa vị quan trọng thủy vận, vịnh Gành Rái cũng là ngư trường lớn với nhiều trại nuôi thủy sản như tôm, cá, và các loài hai mảnh như nghêu và hàu. Khu rừng ngập mặn là khu dự trữ sinh quyển nuôi dưỡng các loài tôm cá khi còn non. Dân ven vịnh còn dùng địa thế thiên nhiên của vịnh để làm ruộng muối.
Kênh Bến Đình thuộc địa phận phường 5, phường Thắng Nhì và phường 9 (TP Vũng Tàu), phía Nam là khu dân cư sầm uất, phía Bắc là khu cù lao đầy sình lầy, cửa Vàm kênh hướng ra vịnh Sao Mai (vịnh Gành Rái). Hiện nay Kênh Bến Đình bị lấp gần hết chỉ còn một cửa vào, trở thành kênh cụt, tạo ứ đọng bùn cát và chất thải. Mỗi khi thủy triều xuống thấp, thuyền bè đi qua kênh này không thể ra vào được.
Ngoài ra, do sự bồi lắng nên tuyến luồng hiện đang khai thác tại kênh này đã bị thu hẹp và cạn dần. Trong khi đó, tàu đánh bắt cá của địa phương và nơi khác tập trung rất nhiều nên vào mùa mưa bão xảy ra tình trạng khu vực này quá tải, không đáp ứng được ghe tàu neo đậu dẫn đến mất an toàn giao thông đường thủy.
Theo kế hoạch dự kiến phía Cù lao Bến đình để phát triển khu đô thị sinh thái, dự án này góp phần chỉnh trang, tạo cảnh quan, kiến trúc đô thị khu vực Bến Đình, TP Vũng Tàu. Về quy mô đầu tư, sẽ xây dựng phần đường giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến (cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng) gồm 2,9km Tuyến chính chạy dọc kênh Bến Đình; xây dựng 0,2km tuyến nối để kết nối đường Trần Phú với tuyến chính (tại vị trí đường Bạch Đằng). Tổng chiều dài phần đường là 3,1km; xây dựng 5,6km kè phía đất liền (2,5km chạy dọc kênh Bến Đình và 3,1km chạy dọc kênh đối lưu); nạo vét 7,2km kênh (3,4km kênh Bến Đình và 3,8km kênh đối lưu); xây dựng cầu Lê Văn Lộc kết nối với khu đất bên phía Cù lao Bến Đình ....

Một số hình ảnh về Phong cảnh Cù lao Bến Đình

Còn tiếp
Photographer Tây Nam

Friday, May 17, 2019

Đời sông nước

Không nhà phiêu dạt trên sông
Theo con nước lớn nước ròng nổi trôi
.....
Thơ Trương Nam Chi

Còn tiếp ...
Photographer Tây Nam

Làng cá Phước Hải

Phước Hải là một trong những làng cá nổi tiếng lâu đời của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Từ đầu thế kỷ XVIII, xóm Lưới Rê đã hình thành và phát triển Nghề biển đánh bắt tôm cá đã giúp cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng thịnh vượng.
Xóm Lưới Rê chính là tên gọi của cách đánh cá ban đầu “dùng lưới để rê cá lại” được dùng để gọi tên xóm. Sau này, xóm Lưới Rê được đổi tên thành Hải Chữ (hải = biển, chữ = bờ, bãi). Đầu thời Gia Long, Hải Chữ và Phước Điền sáp nhập chung gọi là Phước Hải thôn.
Làng cá Phước Hải thuộc xã Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện có trên 2/3 dân số sinh sống bằng nghề đánh bắt cá làm khô. Với một đội tàu đánh cá hùng hậu lên đến 5.500 chiếc, mỗi năm khai thác trên 5.000 tấn cá. Trong số những làng cá lâu đời ở Bà Rịa - Vũng Tàu, làng cá Phước Hải có lịch sử lâu đời nhất.
Lịch sử hình thành Phước Hải được truyền đời qua câu chuyện lý thú và hấp dẫn. Chuyện kể rằng, vào khoảng năm 1725 - 1730, có một người tên Trần Văn Mầu đến vùng biển thuộc ấp Hải Lạc bây giờ khai phá đất hoang (hiện nay dân Phước Hải tôn ông là Tiền hiền, xây dựng lăng miếu hương khói quanh năm). Thuở ấy đây còn là vùng đất hoang vu, cây cối um tùm, nhiều thú dữ. Hằng ngày ông vào rừng lấy dây mấu về đánh nhuyễn, đan thành sợi lưới, rê theo con nước lên xuống để đánh bắt tôm, cá.
Một số người dân thường ngày ra biển lấy vỏ sò về nung vôi, thấy ông rê được nhiều tôm cá, đời sống khá hơn, bèn bỏ nghề cùng ông đan lưới, đánh bắt hải sản, sinh cơ lập nghiệp. Dần dần nơi đây hình thành một xóm, gọi là xóm Lưới Rê - ngôi làng cổ nhất của xã Phước Hải và là một trong những ngôi làng cổ của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau này, cuộc sống của người dân xóm Lưới Rê ngày càng thịnh vượng, tên xóm được đổi thành Hải Chữ.  Đến thời Gia Long, Hải Chữ và Phước Điền được sáp nhập lại, gọi là Phước Hải thôn. Quá trình tụ cư lập nghiệp trên vùng đất lành cùng với sự phát đạt của nghề cá đã làm cho Phước Hải ngày một trù phú.
Đa phần người dân Phước Hải sinh sống bằng nghề đánh bắt cá và làm khô cá, nên mỗi năm từ nơi này cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn khô cá các loại. Số lượng nhân công theo nghề thật phong phú và đa đạng, từ những em bé, phụ nữ, thanh niên trai tráng cho tới các cụ già, bà lão ai ai cũng hăm hở và tất bật với nghề. Họ có thể là người địa phương cũng có thể là người dân từ khắp các vùng miền khác nhau từ Bắc - Trung - Nam đến làm thuê làm mướn.

Con khô cá Phước Hải cũng vì thế mà vươn ra thị trường, không chỉ ở Bà Rịa - Vũng Tàu mà còn các vùng khác trong nước. Nhìn khô cá thơm ngon, mặn mòi, nhưng mấy ai biết rằng, để làm được một mẻ khô những người dân nơi đây cũng phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu. Nghề làm khô cá ở Phước Hải tuy chưa mang lại nhiều thu nhập cho những người dân nơi đây nhưng cũng góp phần giải quyết việc làm và cải thiện thu nhập cho bà con. Mong mỏi lớn nhất của bà con nơi đây là giải quyết vấn đề sân bãi để phơi cá và những công trình xử lý nước thải khi làm cá.

Photographer Tây Nam

Wednesday, May 15, 2019

Mộ Bà Rịa


Qua khỏi UBND xã Tam Phước (huyện Long Điền) một đoạn, sát bên đường thấy một chiếc cổng khang trang dán gạch men màu vàng, mái cổng màu gạch đỏ tươi, trên cổng có tấm bảng màu nâu với hàng chữ vàng nhạt: Mộ Bà Rịa. Hai bên cổng là dãy hàng rào đẹp mắt, trang nghiêm. Khu mộ rộng lớn với những hàng trúc, tre đằng ngà, bồ đề cùng nhiều loại cây xanh cho bóng mát. Đường và sân trong khuôn viên lót đá sạch sẽ. Bên trái là Điện thờ “Bà Rịa tiên nữ nương nương”, trước điện thờ là một ngôi nhà hình bát giác, bước sang phải là khu mộ bà Rịa, được tôn tạo năm 2010. Vòng thành Mộ Bà Rịa được làm bằng đá ong mài, ngang 7m, dài 8,2m, tường dày 0,5m, cao 1m, bốn góc gắn bốn chiếc đèn trang trí hình tròn. Nằm thấp bên trong vòng thành là ngôi Mộ Bà Rịa được xây bằng ô dước, nấm mộ hơi gồ lên, nằm trên ba bậc cấp. Bốn góc mộ có bốn trụ xi măng, đầu trụ nào cũng được tạo hình bông sen, một đầu mộ, bia ghi: “Mộ Bà Rịa”. Đầu mộ bên kia là tấm bia ghi bốn chữ Hán, có nghĩa “Bà Rịa tiên nương”, chữ vàng trên nền đỏ. Hai bên bia là hai câu liễn chữ đỏ nền vàng.

Theo tương truyền Bà Rịa là thứ dân, và cũng không ai biết bà họ gì, theo lời truyền ngôn và một ít tư liệu còn sót lại thì Bà Rịa là dân gốc Phú Yên. Năm 15 tuổi (1680) thời hiền vương Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1687), bà theo cha và đoàn lưu dân vào Nam lập nghiệp. Nơi đến là vùng đầm thiêng, nước độc, nhiều thú dữ, địa hình phức tạp, bà đã cùng mọi người khai khẩn vùng Đồng Xoài (thành phố Bà Rịa ngày nay). Sau đó, tiếp tục khẩn hoang về phía biển, đến Lữ Khê, rồi mở rộng về vùng Gò Xoài – Phước Liễu, cho đến tận Láng Dài – Xuyên Mộc. Đặc biệt, vào năm Mậu Dần (1688) bà đã huy động và chỉ huy dân chúng trong vùng sửa chữa cầu cống, đường sá bị hư hại nặng sau trận bão lụt. Giúp cho quân của thống suất, thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh  an toàn, nhanh chóng vượt qua vùng Phước Liễu hoàn thành sứ mệnh kinh lược đất, chia đông phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên.

Bà Rịa sống trải qua 5 đời chúa Nguyễn, hưởng thọ 94 tuổi, vì suốt đời không chồng, con nên sau khi bà mất, 300 mẫu ruộng do bà khẩn hoang được sung công điền và chia cho người nghèo. Nhớ công ơn bà, nhân dân lập mộ bia khắc dòng chữ : “Nguyễn Thị Rịa tiên nương”, dựng miếu thờ ở xã Tam An, huyện Long Đất (Nay là xã Tam Phước, huyện Long Điền).
Trong thời chiến do bom đạn khu mộ Bà Rịa bị bỏ hoang phế, cho mãi tới năm 1972, nhân phong trào phục hưng xứ sở (xem xét lại việc thờ cúng với những người có công với nước ), chính quyền sở tại cho trùng tu lại khu mộ của Bà Rịa.
Nhằm ghi khắc công lao của bà, nhân dân đã lập mộ thờ cúng và tôn vinh và ghi trên bia của bà câu đối: “Bà Rịa anh linh di vạn cổ - Nương nương hiển hách chứng thiên kim”.

Photographer Tây Nam (Sưu tầm)