Phước
Hải là một trong những làng cá nổi tiếng lâu đời của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Từ
đầu thế kỷ XVIII, xóm Lưới Rê đã hình thành và phát triển Nghề biển đánh bắt
tôm cá đã giúp cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng thịnh vượng.
Xóm Lưới Rê chính là tên
gọi của cách đánh cá ban đầu “dùng lưới để rê cá lại” được dùng để gọi tên xóm.
Sau này, xóm Lưới Rê được đổi tên thành Hải Chữ (hải = biển, chữ = bờ, bãi).
Đầu thời Gia Long, Hải Chữ và Phước Điền sáp nhập chung gọi là Phước Hải thôn.
Làng cá Phước Hải thuộc
xã Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện có trên 2/3 dân số
sinh sống bằng nghề đánh bắt cá làm khô. Với một đội tàu đánh cá hùng hậu lên
đến 5.500 chiếc, mỗi năm khai thác trên 5.000 tấn cá. Trong số những làng cá
lâu đời ở Bà Rịa - Vũng Tàu, làng cá Phước Hải có lịch sử lâu đời nhất.
Lịch sử hình thành Phước Hải được truyền đời qua
câu chuyện lý thú và hấp dẫn. Chuyện kể rằng, vào khoảng năm 1725 - 1730, có
một người tên Trần Văn Mầu đến vùng biển thuộc ấp Hải Lạc bây giờ khai phá đất
hoang (hiện nay dân Phước Hải tôn ông là Tiền hiền, xây dựng lăng miếu hương
khói quanh năm). Thuở ấy đây còn là vùng đất hoang vu, cây cối um tùm, nhiều
thú dữ. Hằng ngày ông vào rừng lấy dây mấu về đánh nhuyễn, đan thành sợi lưới,
rê theo con nước lên xuống để đánh bắt tôm, cá.
Một số người dân thường ngày ra biển lấy vỏ sò
về nung vôi, thấy ông rê được nhiều tôm cá, đời sống khá hơn, bèn bỏ nghề cùng
ông đan lưới, đánh bắt hải sản, sinh cơ lập nghiệp. Dần dần nơi đây hình thành
một xóm, gọi là xóm Lưới Rê - ngôi làng cổ nhất của xã Phước Hải và là một
trong những ngôi làng cổ của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau này, cuộc sống của
người dân xóm Lưới Rê ngày càng thịnh vượng, tên xóm được đổi thành Hải
Chữ. Đến thời Gia Long, Hải Chữ và Phước Điền được sáp nhập lại, gọi là
Phước Hải thôn. Quá trình tụ cư lập nghiệp trên vùng đất lành cùng với sự phát
đạt của nghề cá đã làm cho Phước Hải ngày một trù phú.
Đa phần người dân Phước Hải sinh sống bằng nghề
đánh bắt cá và làm khô cá, nên mỗi năm từ nơi này cung cấp cho thị trường hàng
trăm tấn khô cá các loại. Số lượng nhân công theo nghề thật phong phú và đa
đạng, từ những em bé, phụ nữ, thanh niên trai tráng cho tới các cụ già, bà lão
ai ai cũng hăm hở và tất bật với nghề. Họ có thể là người địa phương cũng có
thể là người dân từ khắp các vùng miền khác nhau từ Bắc - Trung - Nam đến làm
thuê làm mướn.
Con khô cá Phước Hải cũng
vì thế mà vươn ra thị trường, không chỉ ở Bà Rịa - Vũng Tàu mà còn các vùng
khác trong nước. Nhìn khô cá thơm ngon, mặn mòi, nhưng mấy ai biết rằng, để làm
được một mẻ khô những người dân nơi đây cũng phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt và
thậm chí cả máu. Nghề làm khô cá ở Phước Hải tuy chưa mang lại nhiều thu nhập
cho những người dân nơi đây nhưng cũng góp phần giải quyết việc làm và cải
thiện thu nhập cho bà con. Mong mỏi lớn nhất của bà con nơi đây là giải quyết
vấn đề sân bãi để phơi cá và những công trình xử lý nước thải khi làm cá.
Photographer Tây Nam
No comments:
Post a Comment